Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, trong đó, 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện; sửa kỹ thuật 11/142 điều; bổ sung 04 điều; bãi bỏ 03 điều của Luật XLVPHC hiện hành, với những nội dung cơ bản sau đây:

  1. Về nguyên tác xử phạt:

Đối với nguyên tắc xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần, Khoản 2 Điều 1 Luật số 67 sửa đổi, bổ sung như sau: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. 

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”. 

  1. Tăng, bổ sung mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực, sửa đổi tên một số lĩnh vực.

– Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, gồm:

+ Giao thông đường bộ: từ 40 triệu lên 75 triệu;

+ Phòng, chống tệ nạn xã hội: từ 40 triệu lên 75 triệu;

+ Cơ yếu: từ 50 triệu lên 75 triệu;

+ Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia: từ 50 triệu lên 75 triệu;

+ Giáo dục: từ 50 triệu lên 75 triệu;

+ Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu;

+ Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu;

+ Thủy lợi: từ 100 triệu lên 250 triệu;

+ Báo chí: từ 100 triệu lên 250 triệu;

+ Kinh doanh bất động sản: từ 150 triệu lên 500 triệu.

– Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 08 lĩnh vực, gồm:

+ Đối ngoại: 30 triệu;

+ Cứu nạn, cứu hộ: 50 triệu;

+ An ninh mạng; An toàn thông tin mạng: 100 triệu;

+ Kiểm toán nhà nước: 50 triệu;

+ Cản trở hoạt động tố tụng: 40 triệu;

+ Bảo hiểm thất nghiệp: 75 triệu;

+ In: 100 triệu.

– Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành trồng trọt; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành chăn nuôi; dạy nghề thành giáo dục nghề nghiệp; quản lý rừng, lâm sản thành lâm nghiệp; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác thành hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; hạn chế cạnh tranh thành cạnh tranh; quản lý công trình thủy lợi thành thủy lợi; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản thành thủy sản…

  1. Bãi bỏ, bổ sung, tăng thẩm quyền một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

– Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung tên gọi, bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Theo đó, Luật đã bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt theo Luật XLVPHC hiện hành như: Cục trưởng Cục Dự trữ khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương (Điều 46), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39) do thay đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ…

– Luật số 67/2020/QH14 bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Kiểm ngư viên, Trạm trưởng trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Điều 43a), Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a), Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng (Điều 48a), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39) và Quản lý thị trường (Điều 45).

Ngoài ra, Luật đã bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thi hành án dân sự vào Luật Thi hành án dân sự. Khoản 5 Điều 49 của Luật XLVPHC quy định thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, tuy nhiên Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14) không quy định thẩm quyền xử phạt của chức danh này nên chưa bảo đảm tính thống nhất. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn thi hành, Luật XLVPHC đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự vào khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự (Điều 2 Luật số 67/2020/QH14).

– Đối với lực lượng Công an nhân dân, khoản 12 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 39 Luật XLVPHC năm 2012 quy định 15 hệ lực lượng trong Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, với 52 chức danh. So với các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Luật XLVPHC hiện hành, Luật số 67/2020/QH14 có một số điều chỉnh như sau: (1) Bãi bỏ 17 chức danh, gồm: Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát phản ứng nhanh, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn trên sông, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các quận, huyện thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cục trưởng Cục An ninh văn hóa, tư tưởng, Cục trưởng Cục An ninh thông tin, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ, Cục trưởng Cục Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; (2) Bổ sung 22 chức danh, gồm: Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tư lệnh Cảnh sát cơ động; (3) Thay đổi tên gọi của 05 chức danh; giữ nguyên 25 chức danh để phù hợp với cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an.

Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

+ Điểm b khoản 73 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 38 Luật XLVPHC năm 2012) và Giám đốc Công an cấp tỉnh (điểm b khoản 5 Điều 39 Luật XLVPHC năm 2012) từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng.

+ Sửa đổi việc áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh từ Điều 38 đến Điều 49 Luật XLVPHC theo hướng: bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, Luật bổ sung 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền. Theo đó, các chức danh thuộc lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện gồm: Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các Cục trưởng quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung bởi điểm đ khoản 12 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14). Đối với các chức danh khác thuộc lực lượng Công an nhân dân quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 39 Luật XLVPHC năm 2012 có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

  1. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Luật năm 2012 bao gồm cả thứ 7, chủ nhất, ngày nghỉ lễ, tết nên thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho người xử phạt nhất là lập biên bản vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ, tết. Vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi theo hướng từ tính ngày sang ngày làm việc và tăng thời hạn xử phạt đối với trường hợp phải chuyển hồ sơ, cụ thể:

– Đối với vụ việc thông thường, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

– Đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản;

– Đối với vụ việc thuộc trường hợp phải giải trình hoặc xác định giá trị tang vật… mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản.

  1. Về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, quản lý các đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc; sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103 của Luật XLVPHC năm 2012 liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo hướng:

+ Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập;

+ Không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thay vào đó, Luật số 67/2020/QH14 quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ. Bởi vì, thực tế cho thấy quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập không thật sự cần thiết, làm kéo dài thời gian xem xét, áp dụng.

– Khoản 66 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 131 Luật XLVPHC theo hướng: đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý trong trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Quy định nêu trên nhằm tháo gỡ vướng mắc của Điều 131 Luật XLVPHC hiện hành do quy định này hầu như không thể triển khai trong một thời gian dài.

  1. Bổ sung trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

– Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;

– Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

– Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

– Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.

Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

  1. Về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề

– Khoản 64 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 bổ sung vào khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC năm 2012 quy định thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Khoản 64 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại các khoản 4 và 9 Điều 125 Luật XLVPHC năm 2012 theo hướng:

+ Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; sau đó, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ;

+ Bỏ quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ.

Tác giả bài vết: Trần Anh Liêm tổng hợp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm nhận về ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10)

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm …

X