Giới thiệu Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức

Hiệp Đức là một huyện trung du miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, Bắc giáp huyện Quế Sơn, Tây giáp huyện Phước Sơn, Nam giáp huyện Bắc Trà My, Đông Nam giáp huyện Tiên Phước, Đông bắc giáp huyện Thăng Bình. Có diện tích tự nhiên là 492km2, dân số trên 40 ngàn người, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, địa hình đồi núi, giao thông đi lại cách trở, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là 03 xã vùng cao.

Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức hiện có 07 biên chế, gồm 03 Thẩm phán, 01 Thẩm tra viên, 02 Thư ký. Những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam, kinh tế huyện Hiệp Đức đã có nhiều khởi sắc làm thay đổi bộ mặt của địa phương nhưng mặt trái của nó đã làm tình hình tội phạm và tranh chấp có chiều hướng gia tăng, nhất là các tranh chấp về đất đai. Tuy nhiên với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án huyện với mục tiêu thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư ” với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghị cán bộ ngành Tư pháp 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ, không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án, phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Theo Bác, người cán bộ Tòa án cũng là con người nên không thể tránh được những thiếu sót. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài phải liêm khiết, trong sạch thì người cán bộ Tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.

Đại biểu Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức dự Đại hội Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020

Như vậy, nếu người cán bộ Tòa án chỉ “đóng khung” trong Tòa án, không hiểu cuộc sống của nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của dân thì xét xử sao thấu tình đạt lý được. Dẫu pháp luật có cố gắng bao nhiêu cũng khó bao hàm được hết những gì phát sinh trong cuộc sống của nhân dân. Dẫu kiến thức nhà trường đào tạo đến đâu cũng không có đủ kiến thức để hiểu cặn kẽ nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân; tự học là một quá trình liên tục. Học từ sách vở, từ nhà trường và học từ nhân dân. Có lẽ trong mỗi cán bộ, Thẩm phán đều có những trải nghiệm như thế. Tại tiền sảnh của trụ sở Tòa án trong cả nước đều treo khẩu hiệu “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như một phương châm để mỗi người tự nhắc nhở và rèn luyện.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác, lãnh đạo, cán bộ, công chức, TAND huyện Hiệp Đức luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; nắm vững kiến thức chuyên môn, lấy chất lượng hiệu quả công vịêc làm mục tiêu hành động; không né tránh trách nhiệm; tuyệt đối chấp hành nghiêm kỷ luật công tác; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa và loại trừ có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực; làm việc luôn dựa trên các nguyên tắc của luật pháp, thực thi pháp luật một cách rõ ràng, minh bạch, khách quan…thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với Tòa án nhân dân  “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Đơn vị đã quán triệt đến từng cán bộ, Đảng viên và quần chúng trong toàn đơn vị nêu cao tính tự giác, chủ động học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm công tác của đơn vị để cụ thể hóa các quy  định chung, phù hợp với thực tế, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị,  bổ sung vào  chương trình, kế hoạch làm việc của đơn vị và cá nhân, để việc học tập và làm theo Bác đạt được hiệu quả thiết thực, tránh hình thức. Kết hợp việc học tập, làm theo Bác với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động trên thực tế đang triển khai. Cụ thể: trong các buổi sinh  hoạt Chi  bộ hàng tháng đều lồng ghép kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mỗi đảng viên thấm nhuần và rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Người.

Từ tinh thần thi đua trên, tập thể và công chức Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tạo khí thế thi đua qua từng việc làm cụ thể xuyên suốt từ giai đoạn tiếp dân, giải quyết đơn đến giai đoạn giải quyết, xét xử các vụ án và công tác thi hành án hình sự. Trong từng công việc, từng giai đoạn tố tụng, cán bộ Tòa án phải biết linh hoạt vận dụng pháp luật, biết dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, phong tục, tập quán của người dân để xử lý công việc. Đặc biệt là phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở  03 xã vùng cao, để áp dụng phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” đạt được hiệu quả tốt nhưng vẫn giữ được tính độc lập, nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Trong các hoạt động, công tác tiếp dân là hoạt động thường xuyên và mang tính trách nhiệm cao. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công việc này, đơn vị đã cử cán bộ có năng lực, nghiệp vụ tiếp công dân hằng ngày và bố trí điểm tiếp công dân hợp lý, thuận tiện. Cán bộ tiếp công dân luôn có thái độ niềm nở, tận tình, tâm huyết, có trình độ hướng dẫn, giải thích pháp luật cho nhân dân hiểu cặn kẽ những khúc mắt của người dân. Điều này đã hạn chế tình trạng đơn khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, không đúng thẩm quyền. Do đó để hạn chế tình hình trên, công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật cho nhân dân là một yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động của Toà án, nhất là đối với các xã vùng cao. Đây là chủ trương được lồng ghép với nhiều hoạt động khác thông qua việc xét xử lưu động và tổ chức các phiên hoà giải tại địa phương. Nhờ vậy mà tranh chấp dân sự ở những địa phương này ít xảy ra, phần lớn đã được thu xếp ổn thỏa ngay từ khi có dấu hiệu tranh chấp.

Quan trọng và xuyên suốt nhất là tinh thần “gần dân, giúp dân” phải thể hiện trong việc nâng cao chất lượng xét xử, mang lại công bằng cho mỗi người dân. Không thể thỏa mãn công nhận một nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân nếu vẫn còn nhiều người dân phải chịu oan ức, bất công, hoặc tính mạng, tài sản và danh dự của họ bị xâm hại bởi những quyết định không công bằng, trái luật của cơ quan tư pháp, trong đó có các bản án, quyết định của Tòa án. Nhận thức rõ vấn đề này, từng cán bộ, công chức trong đơn vị luôn xác định trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để từ đó thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức, đặc biệt là phải có tâm trong sáng. Nhiều năm qua, không có cán bộ, công chức nào trong đơn vị vi phạm nội quy, quy chế cũng như không có đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.

Mới đây, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã căn dặn mỗi Thẩm phán: Trong hoạt động xét xử, các Thẩm phán phải giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư, có bản lĩnh vững vàng để những phán quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý. Nhất là các Thẩm phán phải thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư ” với phương châm “Gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân”; không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lời căn dặn của Chánh án tối cao cũng là tâm niệm của mỗi Thẩm phán, mỗi công chức trong hệ thống TAND trong cả nước nói chung và cán bộ, công chức của Toà án nhân dân huyện Hiệp Đức nói riêng, để mỗi công chức Tòa án trở nên “trong sáng hơn”.

Từ những nhiệm vụ được giao, TAND huyện Hiệp Đức đã xây dựng những chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm hoạt động, công việc của đơn vị, gắn với nội dung lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm: “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”… Qua đó, nhằm xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức TAND thực sự gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, tích cực đấu tranh, phê phán, ngăn chặn những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. TAND huyện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết án, nhất là việc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần NQ 08. Nhận thức rõ: mọi phán quyết của Toà án có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến danh dự, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi con người nên trong những năm qua, ngoài việc thường xuyên quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, thư ký, nhiều công chức đơn vị tích cực thực hiện “làm hết việc chứ không hết giờ ” để giảm bớt thời gian đi lại nhiều của các bên đương sự khi tham gia vụ kiện. Đặc biệt, một số cán bộ đã đưa ra nhiều sáng kiến trong công việc được Hội đồng TĐ-KT TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam công nhận như: kết hợp với già làng, trưởng bản để nâng cao chất lượng xét xử lưu động tại ba xã vùng cao, huyện Hiệp Đức; giải pháp khắc phục án sửa, án huỷ, không để án quá hạn luật định; khắc phục tình trạng hoãn phiên toà… được thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình giải quyết các loại án, lãnh đạo luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với từng vụ việc, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn luật định, thấu tình đạt lý và có tính thuyết phục cao.

Phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” được thể hiện rõ nét hơn trong việc tổ chức các phiên tòa lưu động; không chỉ xét xử lưu động các vụ án hình sự mà còn đưa đi xét xử lưu động cả các vụ án dân sự. Trong năm năm qua, Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức đã xét xử lưu động 75 vụ án các loại. Thông qua các phiên toà xét xử lưu động đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhờ vậy tình tình tội phạm và các tranh chấp từng bước được hạn chế. Có thể khẳng định rằng, hoạt động xét xử lưu động đã trở thành công việc phối hợp thường xuyên, liên tục với chính quyền địa phương và trở thành môi trường sinh hoạt pháp luật rộng rãi, phổ biến. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án đã nâng lên, tỷ lệ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán rất thấp so với quy định.

Năm năm qua (2010-2015), bằng sự nỗ lực không ngừng, phong trào thi đua tại đơn vị được nuôi dưỡng, chú trọng nhân rộng điển hình tiên tiến, xây dựng người cán bộ Toà án nhân dân với hình ảnh thân thiện, gần gũi, được các Cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân tin yêu. Với việc thực hiện phong trào thi đua, sơ tổng kết và biểu dương, khen thưởng kịp thời tạo động lực giúp đơn vị giải quyết, xét xử 587 vụ án các loại; hòa giải thành đạt trên 70% các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh – thương mại. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của huyện. Với thành tích thi đua đó, Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận: Năm 2010 nhận Bằng khen Chánh án TAND tối cao; năm 2011 được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2014 đơn vị được nhận cờ UBND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu 09 huyện miền núi thuộc TAND tỉnh Quảng Nam. Nhiều cán bộ, công chức được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, được nhận Bằng khen, giấy khen và nâng lương trước thời hạn.

Có thể nói, những kết quả đạt được của TAND Hiệp Đức đã thể hiện rõ nét sự tác động tích cực, to lớn của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ những kết quả đó, Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức bước đầu đã thực hiện thành công phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với nội dung cuộc vận động công chức, viên chức “trung thành – sáng tạo – tận tụy – gương mẫu” nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức

Ông: Nguyễn Tiến Lãnh

Chức vụ: Chánh án
Năm sinh: 1963
Quê quán: Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
Thường trú: Thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam
Trình độ: Đại học Luật – Cao cấp chính trị


Ông: Nguyễn Ngọc Thọ

Chức vụ: Phó Chánh án
Năm sinh: 1969
Quê quán: Xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam
Thường trú: Thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam
Trình độ: Đại học Luật – Cao cấp chính trị

X